Skip to content

Tết Trung Thu

Tết Trung Thu, hay còn gọi là Tết Đoàn viên, là ngày Rằm tháng 8 hàng năm. Vào ngày này, mọi người thường quây quần bên nhau ăn bánh, uống trà và ngắm trăng. Còn các bạn nhỏ thì vui thích rước đèn, phá cỗ, xem múa lân…

Nguồn gốc Tết Trung Thu

Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh được rõ ràng Tết Trung thu bắt nguồn từ Việt Nam hay Trung Hoa.

Có người cho rằng bắt nguồn từ người Việt cổ là bởi dẫn chứng hình ảnh Trung Thu trên trống đồng Ngọc Lũ. Hình ảnh người được khắc họa trên đó là những người dự hội. Tháng tám, việc gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, lại là lúc nông nhàn. Người ta mở hội cầu mùa ca hát, vui chơi.

Còn ở Trung Quốc, từ “trung thu” xuất hiện sớm nhất trong sách “Chu Lễ”, trong đó viết: “Trung thu, dạ nghênh hàn” (đêm trung thu đón rét). Khởi đầu là lễ tế trăng, về sau tới thời Đường mới bắt đầu thịnh hành tổ chức yến tiệc, vui chơi.

Đặc trưng Tết Trung Thu

1. Đồ ăn

Nhắc đến đồ ăn Trung Thu là người ta nghĩ ngay đến bánh nướng, bánh dẻo.

Ngày nay thì các nhà sản xuất làm đa dạng các vị, đáp ứng thị hiếu người dùng, nhưng truyền thống thì bánh nướng là nhân thập cẩm, bánh dẻo thì có thể là thập cẩm hoặc chay. Và cả 2 đều được làm khá ngọt, để khi thưởng cùng với trà sẽ vừa hơn, vừa nhâm nhi vừa trò chuyện (thời xưa hoàn cảnh cũng khó hơn bây giờ, mỗi người chỉ một mẩu).

Thật ra tục ăn bánh là sau này mới phát sinh. Theo Chu Lễ quy định, vào ngày rằm tháng Tám, con cháu mời cha mẹ, ông bà ăn cháo loãng chứ không phải bánh Trung Thu. Bắt đầu từ triều nhà Tống mới có tập tục ăn bánh Trung Thu.

Bên cạnh bánh, Tết Trung Thu còn đầy ắp hoa quả, và trên mâm cỗ nhất định phải có bưởi.

food wood coffee cup
(Bánh Trung Thu, chụp bởi Nataliya Vaitkevich up trên Pexels.com)

2. Các hoạt động

Rước đèn, phá cỗ, múa lân

Trung Thu là tết thiếu nhi. Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Mỗi bạn thường mang theo đồ chơi của mình như mặt nạ, đèn ông sao, tò he…

Cảnh tượng càng rộn ràng, nhộn nhịp hơn với múa lân (múa sư tử). Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu.

Đoàn tụ, tri ân, ngắm trăng

Trung thu là dịp sum vầy, đoàn tụ gia đình (vậy nên còn gọi là “đoàn viên”), là dịp bày tỏ lòng tri ân đối với những người có công ơn với ta. Mọi người thường đem quà tặng cho nhau, cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng trăng, ôn lại những kỷ niệm xưa.

Đối với nhiều nước Á Đông, Tết Trung Thu đã trở thành một ngày lễ truyền thống đẹp đẽ, đầy ý nghĩa.

_Sưu tầm và tổng hợp_

Published inĐó đây

Be First to Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *